Để phát triển ngành hoa - cây cảnh, đạt mục tiêu giá trị sản xuất đạt 70.000 - 75.000 tỷ đồng vào năm 2030, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất hoa - cây cảnh là rất quan trọng.

Hoa - cây cảnh, ngành hàng nghìn tỷ

Chiều 10/5, trong khuôn khổ Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia: “Phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu.

Hội thảo là diễn đàn khoa học uy tín với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà vườn và sinh viên để cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu, mô hình sản xuất, xu hướng thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh hoa và cây cảnh.

leftcenterrightdel
GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực đóng góp vào sự phát triển của ngành hoa, cây cảnh. 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại hội thảo, tính đến năm 2024, diện tích trồng hoa của cả nước đạt 37.000ha, trong đó Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên có diện tích lớn nhất với 13.000ha và 11.800ha. Các loại hoa được trồng nhiều nhất hiện nay, gồm: Phong lan, hoa hồng, hoa cúc, lay ơn, hoa huệ, hoa ly, trong đó hoa cúc chiếm diện tích lớn nhất với 13.500ha.

Đối với cây cảnh, tổng diện tích của một số loại cây cảnh chính đạt 19.469ha, chủ yếu là các loại hoa mai, quất, hoa đào và một số loại cây cảnh khác.

Giá trị sản lượng toàn ngành đạt trên 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc… Điều đó cho thấy vị thế ngày càng được khẳng định của ngành hoa, cây cảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nghiên cứu, khảo sát của các cán bộ, giảng viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại một số làng hoa, cây cảnh nổi tiếng cho thấy, nghề trồng hoa - cây cảnh mang lại thu nhập rất cao cho người dân.

leftcenterrightdel
 Một cây cảnh có giá trị được trưng bày tại Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025.

Đơn cử như khảo sát của nhóm tác giả Đoàn Bích Hạnh, Thái Thị Nhung, Đồng Thanh Mai (Khoa Kinh tế và Quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tại xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) cho thấy, toàn xã có 40ha diện tích trồng cúc chi là 40 ha, với 250 hộ trồng. Trong 3 năm từ 2022 - 2024, năng suất và sản lượng hoa cúc chi của các hộ có xu hướng tăng đều qua các năm, đạt 4,48 tạ/sào, sản lượng đạt 500 tấn. Bình quân cứ 1 sào hoa cúc chi cho giá trị sản xuất 34 triệu đồng.

Trong khi đó, khảo sát của tác giả Quyền Đình Hà Khoa Kinh tế và quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, huyện Văn Giang (Hưng Yên) hiện có 1.310 ha trồng hoa, cây cảnh các loại, hình thành hai vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung gồm: Vùng sản xuất hoa ở các xã: Xuân Quan, Phụng Công; vùng sản xuất cây cảnh ở các xã: Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi và thị trấn Văn Giang.

Đến nay, huyện có 4 làng nghề trồng hoa, cây cảnh được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận gồm: Làng nghề hoa, cây cảnh xã Xuân Quan; Làng nghề hoa, cây cảnh truyền thống xã Phụng Công; Làng nghề cây cảnh xã Thắng Lợi và Làng nghề hoa, cây cảnh xã Liên Nghĩa. Doanh thu của các vùng trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện đạt trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có một số diện tích trồng hoa chất lượng cao cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

leftcenterrightdel
Một nhà vườn giới thiệu với các em học sinh Học viện Nông nghiệp Việt Nam về dáng thế, giá trị của một cây cảnh trưng bày tại Festival Hoa - Cây cảnh VNUA 2025. 

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đánh thức tiềm năng ngành hoa - cây cảnh

Dù có nhiều tiềm năng nhưng theo bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo thực vật phía Bắc (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), ngành hoa - cây cảnh của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên trách, các nhà nghiên cứu về hoa, cây cảnh, số cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành còn rất ít, chủ yếu là cán bộ khoa học trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm.

"Ngành hoa – cây cảnh hiện đang thiếu hụt lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao. Lao động trẻ ít tham gia vào hoạt động sản xuất, trong khi lực lượng lao động hiện tại chủ yếu là người lớn tuổi, dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất", bà Ngà nêu một thực tế.

Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt... còn hạn chế. Nhu cầu tiêu thụ hoa cây cảnh còn mang tính mùa vụ, chủ yếu tập trung vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi, khai trương...

Thiếu hệ thống phân phối chuyên nghiệp: phần lớn tiêu thụ qua chợ đầu mối, chợ dân sinh hoặc bán trực tiếp tại vườn. Thiếu các trung tâm phân phối, sàn giao dịch hoa, hệ thống logistics chuyên biệt cho ngành hoa. Xuất khẩu hoa cây cảnh của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu dưới dạng tiểu ngạch, chưa có thị trường ổn định.

leftcenterrightdel
 Các loại cây cảnh có giá trị hàng tỷ đồng khiến nhiều sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trầm trồ.

Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu cả nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực đóng góp vào sự phát triển của ngành hoa, cây cảnh.

Ngay từ năm 2007, Học viện là đơn vị tiên phong mở ngành đào tạo Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, với định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Chương trình được xây dựng dựa trên tư vấn của các chuyên gia Hà Lan trong khuôn khổ Dự án PROFED – một sáng kiến hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Hiệp hội các trường Đại học ứng dụng Hà Lan.

"Tính đến nay, sau 18 khóa đào tạo, chương trình đã có hơn 750 sinh viên tốt nghiệp. Nhiều người trong số đó đang giữ các vị trí quan trọng tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ; đảm nhận vai trò là nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, chủ trang trại, hoặc đã khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, cảnh quan đô thị và sinh vật cảnh", GS.TS Phạm Văn Cường nói.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành hoa - cây cảnh năm 2025 đạt 50.000 - 55.000 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 70.000 - 75.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu năm 2025 đạt 130 - 150 triệu USD, năm 2030 đạt 180 - 200 triệu USD.

Đến năm 2030, diện tích trồng hoa có ứng dụng công nghệ cao chiếm 15 -20%; diện tích trồng hoa có mái che đạt 20 - 25%, trong đó vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 35 - 40%, vùng Đông Nam Bộ 25 - 30%, vùng Đồng bằng sông Hồng 10 - 15%.

Để đạt được mục tiêu này, bà Ngà kiến nghị một số giải pháp như: Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống hoa, cây cảnh có tính trạng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng của khách hàng trong và ngoài nước.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác bền vững.

Tiếp tục lưu giữ, bổ sung guồn gen mới về hoa, cây cảnh góp phần làm phong phú nguồn sản phẩm hàng hóa và nguồn vật liệu di truyền phục vụ nghiên cứu chọn, tạo giống hoa, cây cảnh.

Xây dựng chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông qua HTX, THT xây dựng vùng trồng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: "Với chuỗi hoạt động Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân cùng trao đổi, phân tích thách thức, đề xuất giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu; tạo điều kiện kết nối đối tác, mở rộng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị; kết nối trực tiếp đến người sản xuất; tạo cơ hội trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên, khơi dậy đam mê và tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực giàu tiềm năng. Sự kiện này cũng thể hiện vai trò và quyết tâm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc đồng hành, phát triển ngành hoa cây cảnh, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững".

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đại học đa ngành, trọng điểm quốc gia. Năm 2025, Học viện tuyển sinh 7289 chỉ tiêu với 43 ngành đào tạo. Học viện áp dụng 04 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng, Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ) và xét tuyển kết hợp.

Thông tin chi tiết tại: https://dangkyxettuyen.vnua.edu.vn;tuyensinh.vnua.edu.vn

https://danviet.vn/